Lập Kế Hoạch Lựa Chọn Địa Điểm & Máy Đo
Việc chọn đúng địa điểm đặt máy đo chất lượng không khí là một bước cực kỳ quan trọng trong việc thiết lập mạng lưới giám sát hiệu quả. Chất lượng dữ liệu bạn thu được, và từ đó là những phát hiện bạn có thể tìm ra, phụ thuộc trực tiếp vào nơi bạn đặt máy đo. Việc chọn lựa địa điểm cẩn thận sẽ đảm bảo cho bạn thu thập được dữ liệu phản ánh chính xác chất lượng không khí mà bạn muốn hiểu và giải quyết. Chọn các địa điểm kém chính xác sẽ dẫn tới số liệu không chính xác và làm xói mòn nỗ lực giám sát của bạn.
Chương này hướng dẫn bạn về những cân nhắc thiết yếu cho việc chọn địa điểm phù hợp để lắp đặt máy đo chất lượng không khí. Bằng việc tuân theo những hướng dẫn này, bạn có thể tối đa hóa giá trị của dự án giám sát của bạn và đóng góp vào việc thấu hiểu hơn chất lượng không khí nơi cộng đồng của mình.
Dựa vào địa điểm mà bạn dự định đo lường mức độ ô nhiễm không khí, chương này cũng sẽ hỗ trợ bạn trong việc chọn loại máy đo phù hợp.
Những Điểm Chính
Có ba loại máy đo để chọn:
- Open Air (O-1PST) - Wifi
- Open Air Cellular (O-1PST-CE) – Mạng Thiết Bị Di Động
- Open Air Max (O-M-1PPSTON-CE) – Mạng Thiết Bị Di Động với Tấm Quang Năng
Việc chọn đúng địa điểm để đặt máy đo chất lượng không khí là tối quan trọng để thu thập được dữ liệu chính xác và có tính đại diện. Việc chọn lựa địa điểm cẩn thận sẽ đảm bảo rằng những nỗ lực giám sát của bạn mang tới các phát hiện có ý nghĩa và đóng góp được vào hoạt động quản trị chất lượng không khí có hiệu quả.
Phần 2 của Chương này cung cấp một danh sách kiểm tra để tóm tắt quy trình chọn địa điểm của bạn.
1. Cân Nhắc Chủ Chốt cho Việc Chọn Địa Điểm
Lựa chọn địa điểm tối ưu để đặt máy đo chất lượng không khí sẽ cần tới việc cân nhắc các yếu tố thực tiễn và môi trường.
1.1. Phù hợp với mục tiêu dự án của bạn
Trong bản tổng quan dự án được soạn ra ở Chương P2, bạn đã xác định nhóm nhân khẩu đích và loại ô nhiễm không khí mà bạn sẽ tập trung giám sát (ô nhiễm cục bộ và ô nhiễm vùng). Ưu tiên hàng đầu của bạn nên là lựa chọn các địa điểm giám sát phù hợp với những mục tiêu này.
Ví dụ, nếu bạn sẽ nghiên cứu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên học sinh sinh viên, hãy đặt cảm biến trong và xung quanh trường học. Nếu bạn đang giải quyết ảnh hưởng của các chính sách giảm thiểu ô nhiễm không khí lên chất lượng không khí toàn thành phố, hãy phân bố cảm biến đều khắp thành phố và tránh xa khỏi các nguồn phát khí thải trực tiếp để nắm bắt được mức độ ô nhiễm trên vùng.
1.2. Các Yêu Cầu Thực Tiễn
Các yếu tố thực tiễn là cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo máy đo của bạn vận hành chính xác và dễ quản lý:
Nguồn Điện: Các máy đo sẽ cần tới một nguồn điện ổn định. Hãy đánh giá sự sẵn có và tính ổn định của nguồn điện tại các địa điểm có thể được chọn. Nguồn điện tại đó có sẵn và có ổn định không? Với các máy đo chạy qua cổng USB, hãy đảm bảo rằng các ổ điện nằm trong một khoảng cách vừa phải. Nếu không có sẵn nguồn điện, AirGradient cũng cung cấp máy đo sử dụng tấm quang năng.
Độ Ổn Định Của Mạng: Với các máy đo gửi dữ liệu thông qua mạng không dây, một kết nối mạng ổn định là cần thiết. Với các máy đo dùng WiFi (O-1PST), hãy kiểm tra độ mạnh của tín hiệu WiFi. Với các máy đo dùng mạng thiết bị di động ( O-1PST-CE & O-M-1PPSTON-CE), hãy đánh giá độ phủ sóng của mạng thiết bị. Cân nhắc tới các cản trở tín hiệu như tường và tòa nhà.
Khả Năng Tiếp Cận và Hậu Cần: Hãy chọn những địa điểm dễ tiếp cận cho lắp đặt và bảo trì. Tránh những địa điểm khó tiếp cận hoặc nguy hiểm. Hãy cân nhắc tính an ninh của địa điểm để tối thiểu hóa hoạt động phá hoại hoặc trộm cắp. Đảm bảo việc triển khai là an toàn cho cộng đồng và tuân thủ mọi quy định cần thiết. Cần phải có sự đồng ý nếu triển khai tại các địa điểm công cộng hoặc thuộc tư nhân.
Khoảng Cách Tới Trạm Tham Chiếu1: Nếu tính chính xác của dữ liệu là rất quan trọng và khu vực triển khai có các trạm tham chiếu, chúng cũng cần được cân nhắc trong quá trình quy hoạch mạng lưới. Lý tưởng nhất là sẽ có 2-3 máy đo giá thành thấp được lắp đặt lâu dài gần trạm tham chiếu để có thể liên tục căn chỉnh mạng lưới.
1.3. Độ An Ninh Của Địa Điểm
Việc đảm bảo an ninh cho máy đo chất lượng không khí là tối quan trọng để giúp việc thu thập dữ liệu được liên tục và phòng tránh hư hại hoặc trộm cắp. Lựa chọn việc đặt máy đo ở đâu phải cân bằng được các yếu tố là tính khả thi, khả năng tiếp cận để bảo trì, và không bị quấy nhiễu. Dưới đây là một số các địa điểm lắp đặt phổ biến và những cân nhắc chủ chốt của chúng:
Địa Điểm | Tính An Ninh | Cần Cho Phép Bởi | WiFi và Nguồn Điện | Nhận xét |
---|---|---|---|---|
Cột Đèn Đường | thấp | Chính quyền khu vực | không | Độ bao phủ cao. Tốt cho việc giám sát ô nhiễm do giao thông. Lắp đặt trên cao và sự tham gia từ cộng đồng có thể giúp giảm thiểu rủi ro phá hoại hoặc trộm cắp. |
Tòa Nhà Công Cộng | Cao | Cơ quan chính quyền | có | Dễ nhìn thấy và thu hút được sự chú ý của quần chúng. |
Ban Công Riêng | Cao | Chủ sở hữu riêng | có | Độ bao phủ tùy thuộc vào mức độ hợp tác của chủ sở hữu riêng. |
Trường học | trung bình | Lãnh đạo trường | có | Dễ nhìn thấy và thu hút sự chú ý của quần chúng. Tốt cho việc tiếp cận mang tính giáo dục và nhận thức. Sự tham gia từ học sinh sinh viên sẽ làm giảm rủi ro phá hoại hoặc trộm cắp. |
Tòa Nhà Thương mại | cao | Doanh nghiệp sở hữu | có | Tiềm năng từ hỗ trợ qua hợp tác với doanh nghiệp. |
Ngoài ra, việc đặt máy đo tại các địa điểm dễ nhìn thấy nhưng không dễ tiếp cận, ví dụ như gần camera an ninh, các công trình có cổng, hoặc các bề mặt trên cao, có thể giúp ngăn ngừa hoạt động phá hoại hoặc trộm cắp. Việc xây dựng nhận thức và cảm giác chủ quyền trong cộng đồng cũng đóng một vai trò rất quan trọng; việc thông báo cho cư dân trong khu vực, các chủ cửa hàng hoặc các tổ chức về mục đích của các máy đo sẽ giúp xây dựng cảm giác trách nhiệm chung, giúp tăng khả năng họ sẽ cùng hỗ trợ bảo vệ và duy trì thiết bị. Tại các khu vực có rủi ro quấy nhiễu cao hơn, việc dùng đến những giải pháp như gắn chốt, lập rào bảo vệ hoặc lắp vỏ che mưa gió có thể giúp tăng độ bền. Ngoài ra, khi lắp đặt máy đo tại các công trình công cộng hoặc thương mại, một việc quan trọng là phối hợp với các cơ quan liên quan để có được sự đồng ý về pháp lý cần thiết và đảm bảo tuân thủ quy định tại khu vực. Bằng việc giải quyết những yếu tố này ngay từ sớm, bạn có thể duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu trong khi vẫn có thể ngăn chặn các gián đoạn không cần thiết tới dự án giám sát của mình.
Xin tham khảo Chương P3: Thu Hút Tham Gia từ Cộng Đồng để biết cách tương tác với cộng đồng của bạn.
1.4. Yếu Tố Môi Trường
Các điều kiện môi trường tại địa điểm triển khai là quan trọng cho hoạt động đo lường chính xác và độ bền của máy đo:
Khoảng Cách từ Nguồn Ô Nhiễm: Vị trí lắp đặt máy đo chất lượng không khí nên phù hợp với mục tiêu giám sát của bạn. Nếu bạn muốn đo lường chất lượng không khí toàn vùng hoặc chất lượng không khí nói chung trên một thành phố hay khu vực dân cư, hãy đặt máy đo ra xa khỏi những nguồn ô nhiễm cụ thể (ví dụ: khói xe ô tô hoặc các công trường xây dựng) để có được chỉ số phổ rộng và mang tính đại diện hơn. Tuy nhiên, nếu mục đích của bạn là có được dữ liệu ô nhiễm cục bộ để nghiên cứu ảnh hưởng của một nguồn gây ô nhiễm cụ thể, ví dụ khí thải giao thông, các khu công nghiệp, công trình xây dựng hoặc khu vực đốt rác thải, bạn nên đặt máy đo gần nguồn đó để quan sát ảnh hưởng trực tiếp. Cùng lúc, sẽ là có ích nếu đặt thêm máy đo bổ sung từ xa để so sánh dữ liệu và hiểu được cách ô nhiễm lan rộng hoặc giảm bớt theo cự ly.
Độ Phơi Gió và Dòng Khí: Dòng khí tự nhiên là quan trọng để có được chỉ số đo chất lượng không khí tiêu biểu. Hãy tránh các khu vực không có gió thổi hoặc các không gian đóng. Hãy cân nhắc các kết cấu có thể chặn gió, và nên ưu tiên những địa điểm mở và thông gió tự nhiên.
Khoảng Cách tới Cây Xanh và Thực Vật: Tránh đặt máy đo trực tiếp lên hoặc rất gần với cây xanh và thảm thực vật mật độ dày. Cây xanh có thể thu hút côn trùng và do đó gây ảnh hưởng lên cảm biến, trong khi thực vật có thể chặn nguồn khí đi vào.
Khoảng Cách tới Các Bề Mặt Phản Chiếu: Tránh đặt máy đo trực tiếp bên cạnh các bề mặt có thể phát nhiệt như bê tông hoặc nhựa đường, vì những bề mặt này có thể gây ảnh hưởng lên số đo về nhiệt độ.
2. Quy Trình Chọn Địa Điểm Theo Từng Bước
Hãy tuân theo các bước này để chọn địa điểm đặt máy đo của bạn:
- Lập Sơ Đồ Các Địa Điểm Tiềm Năng: Bạn có thể dùng, ví dụ, chức năng “My Maps” của Google Maps để xác định và đánh dấu các địa điểm tiềm năng. Tính năng này được giải thích cụ thể hơn ở phần FAQ (Câu Hỏi Thường Gặp).
- Sử dụng Danh sách kiểm tra bên dưới để đánh giá các đặc điểm của từng địa điểm tiềm năng. Thực Hiện Thăm Hiện Trường đối với những địa điểm hứa hẹn nhất để xác nhận đánh giá của mình và kiểm tra độ mạnh của mạng di động ( trong trường hợp không có WiFi).
- Ưu Tiên và Lựa Chọn Địa Điểm: Chọn các địa điểm có thể cân bằng tốt nhất giữa tính thực tiễn, các yếu tố môi trường và mục đích giám sát.
3. Danh Sách Kiểm Tra Địa Điểm
Sử dụng danh sách kiểm tra này trong quá trình chọn địa điểm của bạn:
Mục Kiểm Tra | Cân Nhắc/Ghi Chú |
---|---|
Nguồn Điện Có Sẵn Không và Có Phù Hợp Không? | Có nguồn điện ổn định nào gần đó không? |
Tín Hiệu Mạng Có Đủ Mạnh? | Tín hiệu WiFi hoặc mạng thiết bị di động tại địa điểm có đủ mạnh không? |
Địa Điểm Có Dễ Tiếp Cận? | Địa điểm có dễ tiếp cận để lắp đặt và bảo trì trong tương lai không? |
Địa Điểm Có An Ninh Không? | Địa điểm này có tương đối an toàn khỏi hoạt động phá hoại hoặc trộm cắp không? |
Địa Điểm Triển Khai Có An Toàn? | Việc triển khai có an toàn cho cộng đồng và tuân thủ các quy định về an toàn không? |
Đã Được Cho Phép (nếu cần) Chưa? | Đã nhận được cấp phép cần thiết cho việc triển khai tại công trình công cộng hoặc tư nhân chưa? |
Có Đạt Khoảng Cách Phù Hợp từ Nguồn Gây Ô Nhiễm? | Khoảng cách tới các nguồn gây ô nhiễm đã phù hợp với mục tiêu giám sát của bạn chưa (chất lượng không khí nói chung so với khi đo nguồn cụ thể)? |
Độ Phơi Gió và Dòng Khí Ổn Chưa? | Địa điểm này có dòng khí tự nhiên ổn, giúp ngăn ngừa khí tù đọng không? |
Có Cách Xa Cây Xanh và Thực Vật Không? | Địa điểm có cách xa cây xanh và thảm thực vật mật độ dày để tối thiểu hóa nhiễu loạn không? |
Có Cách Xa Các Bề Mặt Phản Chiếu? | Địa điểm có cách xa các bề mặt phản chiếu có khả năng tỏa nhiệt và gây ảnh hưởng tới số đo nhiệt độ không? |
Địa Điểm Đã Được Kiểm Tra và Xác Nhận Chưa? | Bạn đã kiểm tra nguồn điện và tín hiệu kết nối tại địa điểm trước khi lắp đặt lâu dài chưa? |
Lý Do Lựa Chọn Địa Điểm Đã Được Ghi Chép Lại Chưa? | Bạn đã ghi chép lại lý do lựa chọn địa điểm này chưa, trong đó bao gồm các đánh giá về yếu tố thực tiễn và môi trường? |
4. Chọn Máy Đo Phù Hợp
AirGradient cung cấp các dòng máy đo khác nhau với khả năng kết nối khác biệt. Hãy đảm bảo rằng bạn chọn đúng loại máy đo phù hợp với các đặc điểm của nơi được chọn để lắp máy.

Open Air Cellular (O-1PST-CE)

Hình 1: Các Máy Đo AirGradient

Đặc Điểm Của Địa Điểm | Lựa Chọn Về Mạng | Dòng máy AirGradient | Chỉ Số Được Đo Lường |
---|---|---|---|
Địa điểm có kết nối WiFi ổn định. Các khu vực cư dân, trường học, trung tâm cộng đồng. | WiFi | Open Air | PM, CO2, VOCs (tùy chọn không đo CO2 nhưng đo PM kép) |
Địa điểm có bao phủ mạng thiết bị di động, nơi mà sóng WiFi không có hoặc không ổn định. Các khu vực ít hạ tầng, các khu vực xa thành thị. Nguồn năng lượng chạy máy chủ yếu là điện đã có sẵn. | Cellular (LTE Cat 1) | Open Air Cellular | PM, CO2, VOCs (tùy chọn không đo CO2 nhưng đo PM kép) |
Địa điểm có bao phủ mạng thiết bị di động, nơi mà sóng WiFi và nguồn điện là không sẵn có hoặc không ổn định. Rất hữu ích khi cần triển khai dễ dàng vì không cần lắp đặt kết nối WiFi hoặc điện năng. | Cellular (LTE Cat 1) & Solar Power | Open Air Max (Cellular & Solar) | PM kép, CO2, NO2, O3, VOCs (tùy chọn không đo NO2, O3) |
Ghi Chú về Kết Nối Mạng Thiết Bị Di Động: Các máy đo kết nối mạng di động của AirGradient sử dụng LTE Cat 1, một bộ kết nối di động phổ biến tương thích với những khu vực có kết nối điện thoại thông minh. Vui lòng kiểm tra bản đồ phủ sóng của nhà cung cấp mạng di động trong khu vực để đảm bảo có tín hiệu đủ mạnh.
Ghi Chú về Tấm Quang Năng: Máy AirGradient Max sử dụng một tấm quang năng 10w phù hợp với vĩ độ khoảng 0 - 45N/S. Ở các vùng gần với vùng cực hơn, có thể cần phải triển khai thêm một tấm quang năng thứ hai để đảm bảo nguồn năng lượng ổn định.
Chúng tôi khuyến nghị rằng bạn nên để riêng 20% số máy đo để làm máy dự phòng trong trường hợp bạn cần thay thế một máy đo bị hỏng hoặc bạn phát hiện ra rằng mình cần bổ sung thêm một máy ở một địa điểm cụ thể nào đó.
5. Các Câu Hỏi Thường Gặp (FAQ)
Vui lòng tham khảo các chủ đề bên dưới để có được câu trả lời cho các câu hỏi thường gặp. Nếu bạn có câu hỏi thêm nào mà không được trả lời trong phần này, vui lòng chuyển tới phần hỗ trợ trong văn bản này.
Tại sao việc lựa chọn địa điểm lại quan trọng đến vậy cho hoạt động giám sát chất lượng không khí?
Địa điểm đặt máy đo chất lượng không khí của bạn ảnh hưởng trực tiếp tới dữ liệu bạn thu được. Những địa điểm được lựa chọn cẩn thận sẽ đảm bảo cho dữ liệu của bạn được chính xác và đủ tiêu biểu cho chất lượng không khí mà bạn muốn đo lường, khiến chúng trở nên hữu ích cho quá trình ra quyết định đúng đắn. Việc chọn địa điểm kém chất lượng có thể dẫn tới dữ liệu sai lệch và lãng phí nguồn lực.
Làm cách nào để dùng “My Maps” trong Google Maps cho việc Quy Hoạch Địa Điểm?
“My Maps” của Google Maps là một công cụ hữu ích cho việc hình dung và hoạch định các địa điểm đặt máy đo trên khắp thành phố của bạn.
- Tạo một Bản Đồ Mới: Tới trang Google My Maps và tạo một bản đồ mới cho khu vực giám sát của bạn
- Đánh Dấu Các Địa Điểm Tiềm Năng: Sử dụng công cụ “Add marker”(Thêm đánh dấu) để đánh dấu các địa điểm đặt máy đo tiềm năng trên bản đồ.

- Sử Dụng Hình Ảnh Vệ Tinh: Chuyển sang chế độ hiển thị hình ảnh vệ tinh để khảo sát khu vực xung quanh của từng địa điểm. Sử dụng hình ảnh vệ tinh để xác định các nguồn ô nhiễm tiềm ẩn, các kết cấu chắn gió và những đặc điểm chung của địa điểm.

- Thêm Ghi Chú và Thông Tin: Với mỗi đánh dấu, thêm ghi chú về nguồn điện, mạng, khả năng tiếp cận và các yếu tố môi trường.
- Chia Sẻ và Phối Hợp: Chia sẻ bản đồ của bạn với đội nhóm để thảo luận và sàng lọc các địa điểm đặt máy.

Tôi có cần phải là chuyên gia mới chọn được địa điểm tốt không?
Không cần, hướng dẫn này mang tới cho bạn các cân nhắc then chốt và một quy trình từng bước. Bằng việc tuân theo hướng dẫn này và nghĩ về các mục tiêu giám sát của mình, bạn có thể chọn được các địa điểm đặt máy phù hợp một cách hiệu quả, ngay cả khi không có kiến thức trước về chất lượng không khí.
Nếu tôi không tìm được địa điểm đáp ứng hoàn hảo được mọi tiêu chuẩn lý tưởng thì sao?
Địa điểm hoàn hảo có thể rất hiếm. Việc lựa chọn địa điểm thường đòi hỏi phải cân bằng giữa nhiều yếu tố khác nhau và cân nhắc bù trừ. Hãy ưu tiên tiêu chuẩn quan trọng nhất đối với mục đích giám sát cụ thể của bạn. Hãy ghi chép bất cứ thỏa hiệp nào bạn phải đưa ra và hãy luôn lưu ý tới những hạn chế tiềm ẩn trong diễn giải dữ liệu của bạn.
Làm thế nào để tôi kiểm tra độ mạnh của tín hiệu WiFi hoặc mạng di động tại một địa điểm tiềm năng?
Cách dễ nhất là dùng một ứng dụng điện thoại thông minh được thiết kế để đo độ mạnh tín hiệu WiFi hoặc mạng di động. Tìm “bộ đo độ mạnh tín hiệu WiFi” hoặc “đo tín hiệu mạng di động” trên kho ứng dụng trên điện thoại thông minh của bạn. Đi xung quanh địa điểm tiềm năng với ứng dụng đang mở để đánh giá các biến động về độ mạnh tín hiệu.
Nếu không có ổ điện ở địa điểm đặt máy lý tưởng thì sao?
Hãy cân nhắc việc sử dụng dòng máy AirGradient Open Air Max có dùng tấm quang năng, nếu có đủ nguồn ánh sáng mặt trời. Một cách khác là xem xét khả năng đấu một dây điện an toàn tới địa điểm, hoặc cân nhắc lùi địa điểm một chút để về gần nguồn điện hơn trong khi vẫn đảm bảo được các tiêu chí khác của bạn trong lựa chọn địa điểm.
Tôi có thể đặt máy đo gần các con đường đông đúc để đo ô nhiễm từ giao thông không?
Được, nếu mục tiêu của bạn là đánh giá ô nhiễm do giao thông. Tuy nhiên, để đánh giá chất lượng không khí đô thị nói chung, sẽ tốt hơn nếu bạn đặt máy đo xa khỏi các nguồn trực tiếp như đường phố để có được một chỉ số tiêu biểu hơn về chất lượng không khí trên toàn một khu vực rộng lớn. Hãy đảm bảo rằng nơi đặt máy đo phù hợp với mục đích giám sát chất lượng không khí của bạn.
Tôi nên làm gì nếu nghi ngờ rằng một địa điểm cụ thể có rủi ro phá hoại?
Hãy chọn một địa điểm an ninh hơn nếu có thể. Nếu địa điểm đó rất cần thiết, hãy cân nhắc đến việc sử dụng các rào bảo vệ hoặc các thiết bị lắp cứng chống quấy phá để ngăn chặn phá hoại. Việc thu hút cộng đồng tham gia và nâng cao nhận thức về dự án cũng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro phá hoại.
Việc được cho phép đặt máy đo tại các công trình công cộng quan trọng thế nào?
Việc có được các cấp phép cần thiết trước khi triển khai máy đo tại các tài sản công cộng như cột điện hay tòa nhà là vô cùng quan trọng. Hãy liên hệ với ủy ban thành phố tại địa phương hoặc các cơ quan liên quan để hiểu được quy trình xin phép và nhận được sự chấp thuận để tránh những vấn đề tiềm ẩn sau này.
Tôi có nên tránh đặt máy đo gần cây xanh?
Thông thường chúng tôi khuyến nghị nên tránh lắp đặt trực tiếp lên hoặc dưới các vòm cây rậm rạp. Tuy nhiên, nếu một khu vực có tương đối thưa cây xanh lại là địa điểm tốt nhất cho mục tiêu của bạn, hãy đảm bảo rằng máy đo không chạm trực tiếp vào cây xanh, tiếp cận được các luồng khí và được kiểm tra định kỳ để tránh côn trùng hoặc các mảng vụn tích tụ lại.
Công cụ tham chiếu là các thiết bị có độ chính xác cao và đạt chuẩn quy định được dùng để đo lường chất lượng không khí và hiệu chuẩn các cảm biến khác. Thường được vận hành bởi chính phủ và các viện nghiên cứu, chúng đóng vai trò như tiêu chuẩn vàng cho giám sát chất lượng không khí. Xin xem Chương S8 Hiệu chuẩn thiết bị giám sát và Cảm Biến Tham Chiếu so với Cảm biến giá thành thấp để biết thêm thông tin. ↩︎
Developed by AirGradient in Collaboration with the UNDP Global Centre Singapore CC-BY-SA