Hiệu Chuẩn Máy Đo
Trong Chương P2 (Xác định Dự án Chất lượng Không khí của bạn), bạn đã xác định rằng dữ liệu của mình cần chính xác đến mức nào để đạt được mục tiêu dự án. Chương này giải thích các tùy chọn khác nhau để hiệu chuẩn máy đo của bạn nhằm đạt được mức độ chính xác bạn cần.
Điểm nổi bật chính
Để cải thiện độ chính xác và độ tin cậy của các cảm biến, bạn có thể hiệu chuẩn chúng. Dựa trên sự sẵn có của dữ liệu tham chiếu, có một số phương pháp hiệu chuẩn bạn có thể sử dụng. Các phương pháp này có mức độ phức tạp khác nhau và mang lại các mức độ chính xác khác nhau. Chúng tôi khuyến nghị là ít nhất cũng nên áp dụng phương pháp hiệu chuẩn đơn giản nhất để có kết quả tốt hơn.
Để đảm bảo mạng lưới cảm biến của bạn cung cấp dữ liệu chính xác và đáng tin cậy, hãy thực hiện hai bước chính sau đây trước khi triển khai:
Kiểm tra Độ lặp (Reproducibility Check) – Xác thực rằng tất cả các cảm biến đều cho kết quả đọc nhất quán.
Hiệu chuẩn (Calibration) – Điều chỉnh các phép đo của cảm biến để cải thiện độ chính xác.
Những bước này thường được thực hiện ngay từ đầu, trước khi triển khai các cảm biến tại các địa điểm dự án của bạn. Việc kiểm tra độ lặp có thể được thực hiện đồng thời với việc hiệu chuẩn.
1. Kiểm tra độ lặp
Nếu bạn đang sử dụng nhiều cảm biến, điều quan trọng là phải xác nhận rằng chúng đo lường một cách nhất quán. Đây là cách kiểm tra:
Đặt tất cả cảm biến lại với nhau: Thiết lập tất cả các cảm biến ở cùng một vị trí trong một khoảng thời gian để chúng tiếp xúc với cùng một bầu không khí. Nếu bạn có quyền truy cập vào một thiết bị tham chiếu, hãy đặt chúng bên cạnh thiết bị đó (xem Hiệu chuẩn bằng thiết bị tham chiếu tại chỗ).
So sánh kết quả đọc: Kiểm tra xem tất cả các máy đo có cho ra các thông số tương tự nhau không. Bạn có thể sử dụng chức năng Phân tích (Analysis) của Bảng điều khiển (Dashboard) cho việc này. Nếu quan sát thấy sự khác biệt đáng kể, điều này có thể đồng nghĩa một cảm biến bị lỗi.
Dưới đây là ba khả năng có thể xảy ra và những gì bạn nên làm nếu gặp những trường hợp này:
Trường hợp 1: Tất cả cảm biến hiển thị kết quả đo nhất quán
Nếu tất cả các kết quả đọc của cảm biến gần như trùng khớp, tạo thành (hoặc gần như tạo thành) một đường thẳng duy nhất, điều đó có nghĩa các thông số là nhất quán và có độ lặp. Điều này xác nhận rằng tất cả các cảm biến đã vượt qua bài kiểm tra độ lặp, và bạn có thể tiến hành hiệu chuẩn và triển khai.

Trường hợp 2: Phát hiện cảm biến cần điều chỉnh
Nếu kết quả đọc của một máy đo không hoàn toàn trùng khớp với phần còn lại nhưng vẫn theo cùng một xu hướng (cùng hình dạng tổng thể), cảm biến đó vẫn hoạt động nhưng cần điều chỉnh độ nhạy.

Phải làm gì?
- Nếu bạn đang hiệu chuẩn bằng một thiết bị tham chiếu tại chỗ, việc điều chỉnh này sẽ tự động xảy ra trong quá trình đó.
- Nếu không, bạn có thể tự điều chỉnh độ nhạy của cảm biến cần chỉnh. Thực hiện theo các bước trong Mục 4: Hiệu chuẩn bằng Thiết bị Tham chiếu Tại chỗ, sử dụng một cảm biến hoạt động tốt làm tham chiếu.
Trường hợp 3: Phát hiện cảm biến bị lỗi
Nếu một máy đo hiển thị các kết quả đọc khác biệt đáng kể (ví dụ: một mô hình hoàn toàn khác), nó có khả năng bị lỗi.

Phải làm gì?
- Trước tiên, xác nhận rằng cảm biến đó thực sự được đặt cùng vị trí với các cảm biến khác.
- Kiểm tra cảm biến xem có hư hỏng hoặc có điểm nghẽn nào có thể nhìn thấy được không. Nếu bạn tìm ra vấn đề (ví dụ: mạng nhện bên trong máy đo), hãy loại bỏ điểm nghẽn và kiểm tra lại.
- Nếu không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng, hãy thay thế mô-đun cảm biến trong máy đo bị ảnh hưởng. Gửi yêu cầu hỗ trợ qua trang web của AirGradient để được trợ giúp: https://www.airgradient.com/support/
2. Lựa chọn phương pháp hiệu chuẩn
Có một số phương pháp hiệu chuẩn cảm biến, và dùng phương pháp nào phụ thuộc vào mức độ chính xác dữ liệu bạn cần và việc liệu bạn có quyền truy cập vào dữ liệu tham chiếu hay không. Sơ đồ dưới đây giúp bạn quyết định nên sử dụng phương pháp hiệu chuẩn nào.

Từng phương pháp sẽ được giải thích chi tiết bên dưới, nhưng bạn có thể đọc tóm tắt ngắn gọn về từng phương pháp tại đây:
Hiệu chuẩn bằng thiết bị tham chiếu tại chỗ: Phương pháp chính xác nhất là trước khi triển khai, hãy đặt các máy đo của bạn cùng vị trí với một thiết bị tham chiếu tại chỗ trong cùng một khu vực (ví dụ: thành phố) nơi việc triển khai diễn ra. Tuy nhiên, không nhiều người hoặc cộng đồng có quyền truy cập trực tiếp vào một thiết bị tham chiếu cấp cao và có thể đặt các máy đo chi phí thấp ngay bên cạnh nó.
Hiệu chuẩn bằng thiết bị tham chiếu từ xa: Khi quyền truy cập vào một máy đo tham chiếu vật lý bị hạn chế, dữ liệu công khai từ các trạm quan trắc chất lượng không khí gần đó có thể được sử dụng để điều chỉnh kết quả đọc của cảm biến.
Công thức Hiệu chỉnh của EPA: Công thức hiệu chuẩn này đã được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) phát triển. Nó rất dễ áp dụng và không yêu cầu thiết bị tham chiếu. Tuy nhiên, công thức này không tính đến các điều kiện nội vùng cụ thể trong hoạt động triển khai của bạn.
Các phương pháp hiệu chuẩn khác nhau này có độ chính xác khác nhau, nhưng tất cả chúng đều cải thiện hiệu suất tổng thể của cảm biến. Dù bạn có quyền truy cập vào máy đo tiên tiến hay đang dựa vào các phương pháp thay thế, việc hiệu chuẩn đúng cách là quan trọng để có dữ liệu chất lượng không khí chất lượng cao. Nếu không hiệu chuẩn, các kết quả đọc nồng độ tuyệt đối có thể không phản ánh đúng mức độ ô nhiễm thực tế. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nên áp dụng ít nhất một trong các phương pháp nêu trên.
3. Thiết bị tham chiếu là gì?
Trước khi chúng ta đi vào giải thích từng phương pháp hiệu chuẩn đã đề cập ở trên, cần hiểu qua về thuật ngữ “thiết bị tham chiếu”: Đây là các thiết bị đạt chuẩn quy định và có độ chính xác cao được sử dụng để đo chất lượng không khí, chúng đóng vai trò là tiêu chuẩn để so sánh và hiệu chuẩn các cảm biến khác. Chúng được thiết kế để cung cấp các phép đo chính xác và ổn định cao về các chất ô nhiễm không khí như PM2.5. Những thiết bị này được chứng nhận bởi các cơ quan quản lý như Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) hoặc Liên minh Châu Âu và được hiệu chuẩn thường xuyên để đảm bảo độ tin cậy của chúng. Hầu hết các thiết bị tham chiếu được vận hành bởi các tổ chức chính phủ như thành phố hoặc các cơ quan môi trường tiểu bang, hay các tổ chức nghiên cứu như các trường đại học. Các thiết bị tham chiếu được coi là tiêu chuẩn vàng cho việc giám sát chất lượng không khí vì độ chính xác và tính nhất quán của chúng, khiến chúng trở nên thiết yếu cho việc tuân thủ quy định, nghiên cứu khoa học và đánh giá hiệu suất của các cảm biến chi phí thấp. Tuy nhiên, những thiết bị này thường đắt tiền, cồng kềnh và đòi hỏi bảo trì chuyên biệt, khiến hạn chế trong việc sử dụng rộng rãi hoặc với chi phí thấp. Đây là lý do tại sao chúng thường được sử dụng để hiệu chuẩn các cảm biến giá thành thấp hơn nhằm đảm bảo các phép đo đáng tin cậy và có thể so sánh được.
4. Hiệu chuẩn bằng thiết bị tham chiếu tại chỗ
Hiệu chuẩn một cảm biến chi phí thấp so với một thiết bị tham chiếu tại chỗ là phương pháp hiệu chuẩn chính xác nhất vì nó tính đến các điều kiện môi trường cụ thể nơi cảm biến sẽ được sử dụng. Để thực hiện việc này, bạn hãy đặt cảm biến bên cạnh một máy đo tham chiếu chất lượng cao1 (“đồng vị trí”) trong một khoảng thời gian (“thời gian hiệu chuẩn”) để cả hai cùng đo một bầu không khí. Lưu ý rằng thời gian hiệu chuẩn cũng có thể được sử dụng để kiểm tra độ lặp. Nếu không gian cho phép, hãy đặt toàn bộ mạng lưới cảm biến của bạn bên cạnh thiết bị tham chiếu và thực hiện song song cả hai kiểm tra.
4.1. Những lưu ý khi đặt đồng vị trí
Để có hiệu quả cao nhất, bạn nên đảm bảo rằng thiết bị tham chiếu và cảm biến trải qua các điều kiện môi trường giống nhau khi đặt đồng vị trí cũng như trong quá trình sử dụng thực tế (tức là trong quá trình triển khai của bạn). Bạn có thể đạt được điều này bằng cách tuân theo các điểm sau:
Vị trí của (các) cảm biến: Đặt cảm biến gần đầu vào của thiết bị tham chiếu (trong vòng vài mét) để đảm bảo cả hai đều tiếp xúc với chất lượng không khí và các yếu tố môi trường giống hệt nhau (ví dụ: ánh sáng mặt trời, độ ẩm và gió).
Vị trí của trạm giám sát: Chọn một địa điểm tham chiếu có điều kiện môi trường tương tự như khu vực triển khai của bạn.
Thời gian: Chạy đồng vị trí đủ lâu để ghi lại toàn bộ phạm vi các điều kiện dự kiến, lý tưởng nhất là tối thiểu 2 tuần.
Mùa: Nếu có thể, việc hiệu chuẩn nên diễn ra trong cùng một mùa với việc triển khai của bạn. Phổ biến nhất là thực hiện ngay trước hoặc sau khi triển khai (hoặc cả hai).
Đồng vị trí của ba máy đo AirGradient (dưới cùng bên phải) với một trạm tham chiếu (bên trái).
4.2. Chất lượng dữ liệu liên tục
Nếu có thể, hãy đặt một hoặc hai máy đo từ mạng lưới của bạn bên cạnh trạm tham chiếu trong suốt toàn bộ thời gian triển khai của bạn. Điều này cho phép bạn theo dõi những thay đổi dài hạn về hiệu suất đo lường, chẳng hạn như độ trôi và các biến đổi theo mùa. Bước này đặc biệt quan trọng đối với các đợt triển khai dài hạn kéo dài nhiều mùa hoặc nhiều năm.
4.3. Công cụ hiệu chuẩn tự động
Bằng cách so sánh dữ liệu từ thiết bị tham chiếu với dữ liệu từ (các) máy đo, các thông số hiệu chuẩn được tính toán
thông qua hồi quy tuyến tính:
PM2.5 (đã hiệu chuẩn) = PM2.5 (thô) * hệ số tỷ lệ + hệ số chặn
Quá trình này thường
đòi hỏi các kỹ năng phân tích nâng cao, nhưng công cụ hiệu chuẩn tích hợp sẵn của AirGradient tự động hóa quy trình bằng
cách trích xuất các thông số cần thiết và áp dụng chúng cho bất kỳ máy đo nào bạn chọn. Bạn có thể tìm thấy công cụ này
trong thực đơn bên của Bảng điều khiển:

Nhập dữ liệu tham chiếu vào nền tảng
Để nhập dữ liệu tham chiếu vào Bảng điều khiển, hãy liên hệ với bộ phận hỗ trợ khách hàng của AirGradient.
TÍNH NĂNG TỰ ĐỘNG HÓA NÀY ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
Chọn dữ liệu của bạn
Đầu tiên, chỉ định cảm biến mà bạn muốn hiệu chuẩn và chọn dữ liệu để sử dụng cho việc hiệu chuẩn. Để làm việc này, hãy
điền vào giao diện sau:

Máy đo 1 (Tham chiếu) | Chọn thiết bị tham chiếu của bạn (cần được kết nối với Bảng điều khiển của bạn) |
Máy đo 2 | Máy đo bạn muốn hiệu chuẩn |
Phép đo | Loại thông số cảm biến bạn muốn hiệu chuẩn (PM2.5, Nhiệt độ, Độ ẩm) |
Thời gian hiệu chuẩn | Ngày bắt đầu và kết thúc của khoảng thời gian bạn muốn sử dụng để hiệu chuẩn, tức là thời gian khi máy đo tham chiếu và máy đo giá thành thấp được đặt cùng nhau |
Thời gian kiểm tra (không bắt buộc) | Bạn có thể sử dụng thời gian kiểm tra để xác nhận xem phương pháp hiệu chuẩn của mình có hoạt động như mong đợi không. Đây là phần kiểm tra không bắt buộc, chủ yếu dành cho các ứng dụng khoa học. Trong tài liệu này, chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào thời gian hiệu chuẩn. |
Hiển thị dữ liệu và căn chỉnh thời gian
Ngay khi bạn đã chọn dữ liệu (Điểm 2), hệ thống sẽ hiển thị nó:

Giao diện hiển thị dữ liệu cảm biến thô so với dữ liệu tham chiếu (bên trái) và biểu đồ phân tán so sánh chúng (bên phải). Giá trị RMSE trong biểu đồ phân tán cung cấp thông tin về sai số trung bình của cảm biến giá thành thấp (xem thêm thông tin trong blog này). Giá trị R2 cho thấy cảm biến giá thành thấp theo dõi xu hướng nồng độ của tham chiếu tốt như thế nào. Giá trị càng gần 1, tương quan càng tốt.
Có thể xảy ra trường hợp dấu thời gian của thiết bị tham chiếu không khớp với dấu thời gian của các cảm biến AirGradient, như trong ví dụ trên. Bạn có thể sử dụng chức năng “dịch chuyển dữ liệu tham chiếu” để căn chỉnh hai phép đo theo thời gian. Bạn đã tìm thấy khoảng thời gian dịch chuyển chính xác khi đạt được giá trị R2 tối đa.
VIỆC TỰ ĐỘNG CĂN CHỈNH THỜI GIAN ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
Hiệu chuẩn tự động
Công cụ tự động trích xuất các thông số hiệu chuẩn từ bộ dữ liệu. Chúng có thể được áp dụng ngay lập tức cho cảm biến giá thành thấp bằng cách nhấn nút màu cam (Áp dụng hiệu chuẩn cho [tên cảm biến]). Bạn có thể tìm thấy giá trị của các thông số (hệ số tỷ lệ và độ lệch) bên dưới biểu đồ đầu tiên của công cụ.
Xin lưu ý rằng đối với hiệu chuẩn PM2.5, hệ số tỷ lệ và độ lệch được suy ra bằng cách sử dụng kết quả đọc PM Count thay vì chính nồng độ PM2.5. Phương pháp này cung cấp mối tương quan chính xác hơn với kết quả đọc PM 2.5 của máy đo tham chiếu, cải thiện độ chính xác của hiệu chuẩn. Bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây.

Lưu ý đối với hiệu chuẩn PM2.5: Công cụ hiệu chuẩn không tính đến ảnh hưởng của độ ẩm tương đối (RH) hoặc các phản ứng phi tuyến tính. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, ảnh hưởng của chúng đến độ chính xác dữ liệu của mô-đun Plantower là nhỏ. Nếu bạn cần mức độ chính xác khoa học cao nhất, bạn phải tự tinh chỉnh công thức hiệu chuẩn này.
5. Hiệu chuẩn bằng thiết bị tham chiếu từ xa
Nếu không có quyền truy cập trực tiếp vào một thiết bị tham chiếu, máy đo cũng có thể được hiệu chuẩn bằng cách sử dụng dữ liệu tham chiếu từ các trạm tham chiếu công cộng.
Ở nhiều vùng, mức độ ô nhiễm không khí được đo bằng các trạm quan trắc chất lượng không khí thường do các cơ quan chính phủ quản lý. Các trạm quan trắc này thường chứa các thiết bị tham chiếu cấp cao và nhiều trạm trong số đó công bố dữ liệu của họ một cách công khai. Bạn có thể tìm thấy một số lời khuyên trong phần Câu hỏi thường gặp về cách tìm các trạm tham chiếu công cộng như vậy xung quanh bạn.
5.1. Đặt cảm biến cách xa các nguồn phát thải cục bộ
Lý tưởng nhất, như trong phương pháp trên, bạn nên để các máy đo của mình tiếp xúc với cùng một mức độ ô nhiễm như trạm tham chiếu. Vì bạn không thể đặt các máy đo của mình ngay bên cạnh các thiết bị tham chiếu, nên cần xem xét một số điểm: Các trạm giám sát được phân loại dựa trên khoảng cách của chúng với các nguồn phát thải cục bộ. Điều này xác định loại ô nhiễm không khí mà chúng quan sát được. Chúng có thể đo:
- Nồng độ nền (đặt cách xa các nguồn phát thải trực tiếp), hoặc
- Phát thải cục bộ (ví dụ: ô nhiễm giao thông - trạm được đặt ở lề đường).
Để hiệu chuẩn (các) cảm biến của bạn với một trạm tham chiếu công cộng, bạn cần chọn một trạm đo không có nguồn phát thải trực tiếp mà là mức độ ô nhiễm nền, vì ô nhiễm không khí cục bộ thay đổi quá nhiều và không đồng nhất trên các khu vực lớn hơn (điều xảy ra với ô nhiễm nền). Đồng thời, bạn cần đảm bảo rằng cảm biến bạn muốn hiệu chuẩn được tiếp xúc với cùng một mức độ ô nhiễm nền, tức là được đặt cách xa bất kỳ nguồn phát thải trực tiếp nào.
5.2. Trích xuất mạng lưới
Nếu bạn không thể đảm bảo các cảm biến của mình được đặt cách xa các nguồn phát thải, bạn có thể trích xuất nồng độ nền từ một mạng lưới các cảm biến được phân bổ trên một khu vực. Khi đặt riêng lẻ, chúng có thể tiếp xúc với các nguồn phát thải cục bộ nhưng bạn có thể trích xuất thông tin về mức độ ô nhiễm nền bằng cách tận dụng toàn bộ mạng lưới.
TÍNH NĂNG NÀY HIỆN ĐANG ĐƯỢC PHÁT TRIỂN
Sau khi quá trình phát triển tính năng này hoàn tất và nó đã được tích hợp vào nền tảng AirGradient, chúng tôi sẽ giải thích cách sử dụng nó trong phần này. Thêm nữa, chúng tôi sẽ liên kết đến các tài nguyên khác giúp giải thích những nguyên tắc lý thuyết đằng sau phương pháp này.
5.3. So sánh với tham chiếu từ xa
Dù bạn đã đo trực tiếp ô nhiễm nền hay trích xuất mức nền từ mạng lưới cảm biến của mình, các mức này cần được so sánh với dữ liệu tham chiếu công cộng. Điều này tuân theo quy trình tương tự như được mô tả trong Mục 4 (Hiệu chuẩn bằng thiết bị tham chiếu tại chỗ): Bạn nhập dữ liệu tham chiếu công cộng vào Bảng điều khiển và sử dụng công cụ hiệu chuẩn tự động để xác định các thông số hiệu chuẩn và áp dụng chúng cho các cảm biến của bạn. Sau khi quá trình phát triển tính năng này hoàn tất, chúng tôi sẽ giải thích quy trình này chi tiết hơn.
6. Công thức hiệu chỉnh của EPA
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã phát triển một công thức hiệu chỉnh đặc biệt cho loại cảm biến PM được tích hợp trong các máy đo Airgradient (mô hình Plantower PMS5003). Nó đã được phát triển qua nhiều chu kỳ lặp trong khoảng 1,5 năm (tháng 4 năm 2020 - tháng 10 năm 2021), so sánh các cảm biến chi phí thấp (Purple Air) với các trạm tham chiếu chính thức của chính phủ Hoa Kỳ. Công thức này tính đến ảnh hưởng của độ ẩm tương đối (RH) và phản ứng phi tuyến tính của các cảm biến ở nồng độ rất cao (> 100 ug/m3), vì vậy nó đặc biệt phù hợp với các sự kiện ô nhiễm cực đoan như cháy rừng, nhưng cũng hoạt động tốt ở nồng độ thấp hơn. EPA sử dụng nó để điều chỉnh dữ liệu thô của PurpleAir cho Bản đồ Cháy và Khói của AirNow.
Đây là một công thức phổ quát, có nghĩa là nó không được tùy chỉnh cho từng cảm biến riêng lẻ và được phát triển bằng cách sử dụng dữ liệu aerosol cụ thể của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng nó cũng cải thiện độ chính xác của các cảm biến PM AirGradient trên toàn thế giới. Bạn có thể xem phân tích đầy đủ (bao gồm cả công thức) tại đây.
Thực tế, phương pháp hiệu chuẩn này rất dễ áp dụng. Bạn chỉ cần chọn tùy chọn này trên Bảng điều khiển trong Cài đặt Nâng cao:

7. Câu hỏi thường gặp (FAQs)
Khi nào tôi nên thực hiện kiểm tra độ lặp?
Chúng tôi khuyến nghị nên kiểm tra độ lặp nếu bạn đang sử dụng từ 3 máy đo trở lên. Chỉ cần đặt các máy đo cạnh nhau một lúc và theo dõi dữ liệu. Điều này giúp đảm bảo độ tin cậy và tính nhất quán của các máy đo.
Tôi nên thực hiện kiểm tra độ lặp ở đâu?
Lý tưởng nhất thì bạn nên thực hiện kiểm tra trong một môi trường tương tự như môi trường bạn dự định triển khai các cảm biến cho dự án của mình. Nếu điều đó là bất khả thi thì bất cứ đâu cũng được. Ngay cả trên bàn bếp hoặc bàn làm việc. Chỉ cần đảm bảo rằng tất cả các cảm biến được đặt gần nhau để chúng tiếp xúc với cùng một bầu không khí.
Tại sao tôi cần hiệu chuẩn các máy đo của mình?
Sử dụng một thiết bị tham chiếu tại chỗ để hiệu chuẩn sẽ đảm bảo cảm biến phản ánh các điều kiện thực tế của vị trí giám sát cụ thể của bạn. Ví dụ, các hạt trong không khí có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau như nước biển phun, giao thông, hoặc khói cháy rừng, mỗi loại có những đặc điểm khác nhau. Việc hiệu chuẩn bằng thiết bị tham chiếu tại chỗ tính đến những biến đổi này, cải thiện độ chính xác của các phép đo PM2.5 của bạn.
Máy đo của tôi có hoạt động mà không cần hiệu chuẩn không?
Nếu không hiệu chuẩn, các cảm biến trong máy đo AirGradient cung cấp đủ độ chính xác để bạn có cái nhìn tổng quan về mức độ ô nhiễm chung, quan sát các xu hướng và phát hiện các sự kiện ô nhiễm hoặc các điểm nóng ô nhiễm. Tuy nhiên, dữ liệu thô có chứa những điểm sai lệch. Ví dụ, các cảm biến Plantower có sai số tối đa là ±10μg/m3 (±10% đối với nồng độ trên 100 μg/m3).
Để có các phép đo chính xác hơn, cần hiệu chuẩn cảm biến. Xét thấy phương pháp hiệu chuẩn của EPA rất dễ áp dụng (chỉ bằng cách nhấn một nút), chúng tôi khuyến nghị nên áp dụng ít nhất phương pháp cơ bản này.
Tôi cần hiệu chuẩn các cảm biến của mình bao lâu một lần?
Đối với hầu hết các ứng dụng, một lần hiệu chuẩn trước khi triển khai là đủ. Tuy nhiên, nếu độ chính xác khoa học là cực kỳ quan trọng, hãy sử dụng một thiết bị tham chiếu tại chỗ và cân nhắc để lại một hoặc hai cảm biến tại điểm tham chiếu trong suốt thời gian triển khai của bạn. Ngoài ra, bạn có thể đặt lại các cảm biến của mình cùng với một thiết bị tham chiếu sau khi triển khai để kiểm tra độ trôi (không bắt buộc). Để biết thêm về các phương pháp hiệu chuẩn liên tục, xem Chương O3: “Duy trì Chất lượng và Độ chính xác Dữ liệu.”
Làm thế nào để có thể tìm thấy các trạm giám sát tham chiếu gần đó?
(Hiệu chuẩn bằng tham chiếu từ xa)
Các tài nguyên sau đây giúp bạn xác định những trạm quan trắc chất lượng không khí gần đó có thể sử dụng để hiệu chuẩn từ xa.
1. Các cơ quan môi trường thuộc chính quyền địa phương
Nhiều quốc gia có các trang web chính thức nơi dữ liệu chất lượng không khí được công bố.
- Ví dụ:
- Hoa Kỳ: AirNow.gov
- Châu Âu: Chỉ số Chất lượng Không khí EEA
- Trung Quốc: Trung tâm Giám sát Môi trường Quốc gia Trung Quốc
2. OpenAQ OpenAQ là một tổ chức phi lợi nhuận thu thập và chia sẻ dữ liệu chất lượng không khí trên toàn thế giới. Bạn có thể xem bản đồ của họ (Bản đồ OpenAQ) để tìm các trạm giám sát tham chiếu gần bạn—chỉ cần đảm bảo rằng chỉ chọn bộ lọc “Vị trí máy đo tham chiếu”.

AirGradient hợp tác với OpenAQ, đóng góp dữ liệu công cộng ngoài trời cho nền tảng, giúp việc tích hợp dữ liệu OpenAQ vào Bảng điều khiển AirGradient trở nên dễ dàng.
Liên kết đến thông tin bổ sung từ bên thứ ba
Tài nguyên | Đường dẫn tài nguyên |
---|---|
Câu hỏi và trả lời về Bản đồ cháy và khói của AirNow | Đọc thêm |
Giao thức kiểm tra hiệu suất, số liệu và giá trị mục tiêu cho cảm biến bụi mịn trong không khí (U.S. EPA) | Đọc thêm |
Chỉ sử dụng thiết bị giám sát tham chiếu nếu bạn tin tưởng dữ liệu là chính xác. Đôi khi, thiết bị giám sát tham chiếu có thể không chính xác do bảo trì kém hoặc thiếu hiệu chuẩn. Sử dụng thiết bị giám sát không chính xác có thể dẫn đến sai sót trong hiệu chuẩn. ↩︎
Developed by AirGradient in Collaboration with the UNDP Global Centre Singapore CC-BY-SA